Chỉnh nha trước khi phục hình răng

Phục hình răng, đặc biệt là thay thế răng mất thật sự có ý nghĩa cho những bệnh nhân mất răng nhằm khôi phục lại chức năng ăn nhai và thẩm mỹ. Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ, có rất nhiều phương pháp phục hình như chụp răng, cầu răng, cấy ghép implant, hàm giả tháo lắp… và đôi khi việc thay thế này cần thiết có sự hỗ trợ của nắn chỉnh răng.

Khi nào phục hình răng cần có sự hỗ trợ của nắn chỉnh răng?

Đối với trường hợp răng mất lâu ngày, các răng bên cạnh có xu hướng nghiêng về vị trí răng mất làm mất đi khoảng không gian cần thiết để lắp răng thay thế, khi đó cần có sự can thiệp của nắn chỉnh răng để dựng thẳng trục của răng bị nghiêng. Thêm vào đó, khi răng mất lâu ngày, các răng ở hàm đối diện, có xu hướng chồi cao tiến vào vị trí răng mất, do đó khoảng trống còn lại sẽ thiếu cả về độ rộng và độ cao để tiếp nhận răng thay thế. Khi đó ngoài việc lựa chọn điều trị tủy và phục hình lại cho chiếc răng đối diện này, có thể can thiệp chỉnh nha bằng cách “đánh lún” để răng trở về vị trí ban đầu mà không cần phải lấy tủy – biến một chiếc răng từ khỏe mạnh trở thành “răng khô” – không có mạch máu và thần kinh nuôi dưỡng.

Một lợi ích nữa của việc nắn chỉnh răng đó là trong trường hợp mất răng ở các vị trí răng bị khấp khểnh, xoay trục, cần điều chỉnh lại trục và hướng của răng cho phù hợp trước khi tiến hành làm phục hình thay thế.

Đối với trường hợp bệnh nhân làm phục hình thẩm mỹ răng nhiễm màu hoặc thiểu sản men răng với tình trạng khớp cắn sai, các nha sĩ không thể trông chờ hoàn toàn vào việc điều chỉnh trục răng bằng cách điều trị tủy và chụp răng phía trên vì sẽ làm thay đổi hướng của lực nhai tác động lên răng, khi lực nhai tác động không đúng với trục của răng, lâu dần sẽ dẫn đến tiêu xương vùng quanh răng và mất răng sớm. Do đó sự can thiệp của nắn chỉnh răng trong những trường hợp này là rất quan trọng, tạo ra sự ổn định lâu dài cho phục hình mới cũng như cho các “chân răng thật” của bệnh nhân.

Trường hợp răng có khe thưa hoặc thiếu răng bẩm sinh, ví dụ khe thưa giữa hai răng cửa giữa hàm trên với kích thước răng cửa bên quá nhỏ hoặc thiếu răng cửa bên, cần điều chỉnh lại khoảng cách giữa hai răng cửa trước khi làm phục hình để đảm bảo vế thẩm mỹ cũng như tạo đủ chỗ cho răng thay thế.

Một trường hợp nữa cũng cần cân nhắc đối với tác dụng của chỉnh nha, thậm chí chỉnh nha có thể thay thế hoàn toàn cho phục hình, đó là khi bệnh nhân mất răng số 6 hoặc số 7 nhưng lại có răng số 8 ở cùng bên, thay vì việc làm cầu răng hoặc cấy ghép implant tại chỗ, nha sĩ có thể “di gần” chiếc răng số 7 vào vị trí răng số 6, răng số 8 sẽ di chuyển vào vị trí răng số 7, khi đó thậm chí ngay cả chiếc răng số 8 mọc lệch cũng có thể có cơ hội được mọc trên cung hàm và thực hiện chức năng.

Vì sao răng có thể di chuyển trên cung hàm?

Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về cấu trúc của răng, răng được giữ trong huyệt ổ răng nhờ các dây chằng quanh răng, các dây chằng này có bản chất là các sợi collagen có tính chất đàn hồi, thực tế răng không hề “bất động”, nó có những vi chuyển động trong xương ổ nhờ cấu trúc collagen này trong các hoạt động chức năng của răng, thậm chí khi răng không làm việc. Dây chằng quanh răng và các cấu trúc xương quanh răng luôn thay đổi và tái tạo để đáp ứng với những kích thích tác động lên răng. Trong cơ thể người, quá trình hình thành xương luôn song song hai quá trình tạo xương và hủy xương. Ở trẻ em quá trình tạo xương ưu thế hơn so với quá trình hủy xương; người trưởng thành, hai quá trình này gần như cân bằng nhau; người có tuổi quá trình hủy xương lại ưu thế hơn quá trình tạo xương. Khi răng di chuyển theo chiều ngang, có hai loại lực chính tác động lên xương ổ răng, đó là lực kéo và lực nén. Áp dụng nguyên lý này trong chỉnh nha, khi đặt một lực thích hợp lên răng để di chuyển răng, phần xương ổ răng chịu tác động của lực nén sẽ bị tiêu đi một phần cùng với dây chằng quanh răng, phần ổ răng chịu tác động của lực kéo sẽ hình thành xương và dây chằng mới. Ngoài hai lực trên tác động lên răng trong chỉnh nha còn có lực xoắn và lực uốn cong.

Những vấn đề gặp phải khi đeo mắc cài

Thực tế khi mang mắc cài trên răng, việc vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn hơn nhiều so với răng bình thường của bệnh nhân, rất dễ để các mảng bám thức ăn tích tụ lại trên bề mặt răng và các kẽ răng. Việc vệ sinh răng miệng không tốt sẽ gây ra các bệnh lý viêm vùng quanh răng dẫn đến tiêu xương quanh răng làm ảnh hưởng tới việc làm răng thay thế sau này cũng như ảnh hưởng tới các răng khác. Vì thế bệnh nhân khi đeo mắc cài cần được hướng dẫn phương pháp vệ sinh răng miệng phù hợp đó là chải răng đúng cách, sử dụng chỉ tơ nha khoa có hỗ trợ của cây đưa chỉ, bàn chải kẽ răng, có thể sử dụng tăm nước hỗ trợ và thăm khám nha khoa định kỳ hoặc sử dụng máng đeo chỉnh nha thay vì phương pháp đeo mắc cài truyền thống.

Trường hợp bệnh nhân có các bệnh lý vùng quanh răng, cần điều trị ổn định trước khi tiến hành nắn chỉnh răng. Bệnh nhân cao tuổi chỉ định này cũng hạn chế do khả năng tái tạo xương kém, ngay cả trong các trường hợp được chỉ định thì thời gian có thể kéo dài và hiệu quả không hoàn toàn được như mong đợi.

Lời khuyên thầy thuốc

  Trong nhiều trường hợp, nắn chỉnh răng có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ cho các can thiệp về phục hình răng, tuy nhiên việc điều trị này không phải bao giờ cũng thuận lợi, đặc biệt là vấn đề vệ sinh răng miệng, các bệnh lý quanh răng, vấn đề thẩm mỹ, thời gian và tuổi tác. Tuy nhiên nếu thực hiện được, nó sẽ mang lại hiệu quả lâu dài và ổn định cho bệnh nhân. Vì vậy tùy từng điều kiện và tình trạng cụ thể, nha sĩ sẽ là người đưa ra những chỉ dẫn phù hợp để bệnh nhân có sự lựa chọn tốt nhất cho hàm răng của mình.